Gỡ khó cho quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp

Quản trị viên 18/09/2018 Tin hoạt động
Cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới có 3 DN thực hiện báo cáo trích lập quỹ phát triển KH&CN (sau đây gọi tắt là quỹ), dù đây là chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ trong DN.

Hoạt động tại bộ phận nghiên cứu, kiểm tra chất lượng thuốc của Bidiphar.

Nhiều bất cập

Trong 3 DN nói trên, Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) trích lập và quản lý, vận hành sử dụng quỹ hiệu quả nhất. Từ năm 2009, tỉ lệ trích lập hằng năm từ 7 - 10% trên thu nhập tính thuế. Đến cuối 2017, quỹ trích lập được 69,8 tỉ đồng, tổng chi 37,3 tỉ đồng. Năm 2018, DN sẽ chi từ quỹ khoảng 20 tỉ đồng để tiếp tục phục vụ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ.

“Nhờ có nguồn chi chủ động từ quỹ, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ tại công ty gặp nhiều thuận lợi. Đây là hoạt động rất thiết thực của Nhà nước nhằm hỗ trợ các DN đầu tư vào việc ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng giám đốc Bidiphar, chia sẻ.

Với 2 DN còn lại, đến thời điểm này, việc giải ngân quỹ gần như “dậm chân tại chỗ”, hoặc rất khiêm tốn. Theo ông Thái Hoàng Uẩn - Phó Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, trích lập quỹ là quy định bắt buộc đối với các DN nhà nước theo tỉ lệ trích lập từ 3 - 10% thu nhập tính thuế thu nhập DN; còn DN tư nhân được quyền trích một tỉ lệ hợp lý không quá 10%. “Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện và những bất cập trong quá trình sử dụng, quyết toán, khiến DN không mặn mà trích lập quỹ”, ông Uẩn nhận định.

Nhiều DN cho rằng, quỹ là do DN trích lập, nhưng lúc sử dụng lại giống như sử dụng ngân sách nhà nước, với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ. Kể cả khi, năm 2016, Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển KH&CN đã “mở” hơn về quy định quản lý, sử dụng quỹ, tránh tình trạng sau 5 năm không sử dụng hết 70%, DN phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã trích lập.

“Có quá nhiều rắc rối, bất cập trong các quy định để được công nhận sử dụng quỹ đúng mục đích, hoặc đạt tỉ lệ sử dụng từ 70% trở lên. DN sợ đến khi quyết toán thuế, cơ quan thuế không công nhận chi phí này hợp lý, khi đó sẽ bị truy thu thuế. Quy định đề cập DN được phép sử dụng quỹ rất rộng, nhưng thiếu cụ thể, liên quan đến các văn bản quy phạm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau”, đại diện một DN cho biết.

Hỗ trợ DN trích lập quỹ

Để giải quyết phần nào khó khăn cho các DN, nhiệm vụ hỗ trợ DN trích lập quỹ phát triển KH&CN được UBND tỉnh giao cho các ngành chức năng triển khai thực hiện trong năm 2018. Hai mục tiêu lớn là hỗ trợ DN chưa trích lập quỹ có đủ điều kiện, năng lực thành lập quỹ, phấn đấu đến năm 2020 có thêm từ 4 DN trở lên trích lập quỹ; với DN đã trích lập quỹ, hỗ trợ quản lý, sử dụng hiệu quả.

Giải pháp quan trọng được xây dựng là thông tin, tư vấn, hội thảo, tập huấn cho DN. Tập trung tư vấn thông tin hỗ trợ các DN trích lập quỹ; xây dựng website Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh, chuyển tải các văn bản liên quan giúp DN dễ dàng nắm bắt các quy định việc trích lập, quản lý, sử dụng quỹ và giải quyết trực tuyến các vướng mắc. Tổ chức các hội thảo tuyên truyền, tập huấn các văn bản hướng dẫn trích lập quỹ, nội dung chi và quản lý quỹ, các chính sách khuyến khích DN trích lập quỹ; quảng bá hình ảnh của DN trích lập quỹ…

“Chúng tôi đến tận DN, “cầm tay chỉ việc” cho DN trích lập, sử dụng quỹ. Đồng thời, phối hợp Sở KH&CN hướng dẫn các DN đã trích lập quỹ viết dự án đổi mới công nghệ sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ được trích lập này. Với những quy định bất cập ngoài thẩm quyền, chúng tôi sẽ tổng hợp, tiếp tục báo cáo các cấp bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, gỡ khó cho các DN”, ông Thái Hoàng Uẩn nhấn mạnh. 

Kết quả điều tra về những vướng mắc trích lập quỹ phát triển KH&CN trong DN cuối năm 2017, do Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh thực hiện tại 15 DN có tiềm lực, có hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh, cho thấy, 12 DN khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ với DN (chiếm 80%). Tuy nhiên, trong nhóm 13 DN chưa trích lập quỹ được điều tra, chỉ 5 DN trả lời “có” tìm hiểu thông tin (chiếm 38,4%); 4 DN có tìm hiểu, nhưng chưa hiểu rõ; còn lại không tìm hiểu gì. Lý giải nguyên nhân chưa trích lập quỹ, các DN đều có chung khó khăn: lợi nhuận thấp; chi phí đầu tư KH&CN cao, tài chính và nhu cầu DN có hạn; “ngại” trong thủ tục thực hiện.

Thu Hiền - Báo Bình Định

Các tin liên quan