Theo một số tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước, để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, bên cạnh các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và các Viện nghiên cứu, trường đại học đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ; Chính phủ các nước đều thành lập nhiều loại Quỹ khác nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và giúp các Viện trường thương mại hóa kết quả triển khai nghiên cứu.
Ví dụ Hàn Quốc có Quỹ R&D thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quỹ phát triển đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, Quỹ về quyền SHTT, Quỹ dành cho việc đánh giá và CGCN, Quỹ dành cho giới thiệu các sản phẩm từ sáng chế...; Trung Quốc có Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm... Tại Việt Nam mô hình Quỹ phát triển KH&CN được đề cập trong Luật KH&CN vào năm 2000. Trong đó việc thành lập Quỹ được hình thành ở cấp quốc gia, tỉnh/thành phố, bộ/ngành; tổ chức và cá nhân nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN. Bài viết sau đây giới thiệu về thực trạng hoạt động của các Quỹ do các tỉnh/thành phố thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN Bình Định trong thời gian qua.
1. Thành lập
Sau khi Luật KH&CN có hiệu lực thi hành, tính đến nay, cả nước đã hình thành được 35 tổ chức Quỹ phát triển KH&CN (sau đây gọi tắt là Quỹ) ở cấp quốc gia (NAFOSTED), địa phương (16), trường đại học (1), doanh nghiệp (17). Các Quỹ địa phương thành lập đã đi vào hoạt động gồm: Hải Dương, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Dương, Nghệ An, Thái Bình, Hòa Bình. Hầu hết các Quỹ được thành lập và đi vào hoạt động trong 1 - 3 năm trở lại đây.
Các Quỹ hoạt động theo hình thức các đơn vị sự nghiệp có thu, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và các ngân hàng trong và ngoài nước. Các Quỹ địa phương là các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố. Vốn được cấp khi thành lập ban đầu của các Quỹ không lớn, số vốn ban đầu cao nhất là Quỹ phát triển KH&CN quốc gia là 200 tỷ đồng, kế đến là thành phố HCM 50 tỷ đồng, hầu hết các tỉnh thành còn lại từ trên 1 tỷ đến 10 tỷ đồng, được hình thành từ ngân sách sự nghiệp khoa học, bổ sung từ kinh phí thu hồi của các đề tài dự án hàng năm, các khoản thu từ hoạt động của Quỹ. Ngoài ra, Quỹ có thể được huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách khác như: các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
2. Phương thức, phạm vi tài trợ và cho vay
Trên nguyên tắc các Quỹ địa phương tài trợ một phần cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề, lĩnh vực các tỉnh ưu tiên khuyến khích, do doanh nghiệp thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện, mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài; không quá 20% tổng kinh phí thực hiện các dự án xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Cho vay với lãi suất thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng thương mại tại thời điểm cho vay hoặc không lấy lãi để thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thử nghiệm quy trình công nghệ mới,...); các dự án chuyển giao công nghệ để đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh/thành phố.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, do việc bổ sung Quỹ hàng năm được hình thành từ kinh phí thu hồi các đề tài /dự án hàng năm rất thấp và khó khăn. Cho nên một số Quỹ chỉ áp dụng hình thức cho vay với lãi suất thấp, bằng 50 - 70% lãi suất của ngân hàng thương mại) không thực hiện tài trợ để bảo toàn vốn (Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc, TP HCM). Nghệ An áp dụng hình thức tài trợ đối với các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp, do hàng năm nguồn vốn của Quỹ được bổ sung từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Các địa phương khác trong đó có Bình Định áp dụng cho cả 2 phương thức tài trợ và cho vay (tài trợ đối với triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu có triển vọng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại; cho vay để hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thử nghiệm quy trình công nghệ mới và chuyển giao công nghệ).
3. Tổ chức bộ máy của Quỹ
Bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ, cơ quan điều hành Quỹ và Ban kiểm soát Quỹ.
Hội đồng quản lý Quỹ gồm các thành viên là nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động kiêm nhiệm. Ở cấp địa phương; Chủ tịch HĐQL Quỹ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố (UBND), riêng thành phố HCM Chủ tịch Quỹ là Giám đốc Sở KH&CN.
Cơ quan điều hành Quỹ: Gồm có Giám đốc quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Giám đốc Quỹ là đại diện pháp nhân của Quỹ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm. Hiện nay tại các địa phương đơn vị chuyên môn chỉ bao gồm kế toán trưởng, văn phòng Quỹ hoặc cơ quan điều hành Quỹ.
Có bốn trường hợp thành phố HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình việc điều hành Quỹ được thực hiện ủy thác với đơn vị tín dụng bên ngoài: (Cơ quan điều hành Quỹ phát triển KH&CN thành phố HCM là Quỹ đầu tư phát triển đô thị thành phố HCM theo sự ủy thác của UBND thành phố HCM; Cơ quan điều hành Quỹ phát triển KH&CN Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Thái Bình được thực hiện bởi 2 đơn vị: tổ thẩm định của Quỹ thẩm định nội dung khoa học; ký kết với các Ngân hàng để thẩm định về mặt tài chính theo sự ủy thác Quỹ nhằm bảo toàn vốn vay).
Bình Định, Hòa Bình thành lập cơ quan điều hành Quỹ vận hành độc lập. Tại Bình Định cơ quan điều hành Quỹ là đơn vị sự nghiệp công lập loại 2, có 5 biên chế đảm trách hoạt động của Quỹ, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP.
Ban kiểm soát Quỹ: có từ 3 - 5 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm. Do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Gồm có trưởng ban, phó ban và các thành viên tại các địa phương, ban kiểm soát Quỹ thông thường gồm có: Thanh tra Sở KH&CN, đại diện Sở Tài chính và các sở ban ngành liên quan.
Hội đồng thẩm định/nghiệm thu: tại các địa phương hình thành hội đồng thẩm định tư vấn cho hội đồng quản lý có từ 5 - 7 thành viên do Giám đốc Quỹ đề nghị để thẩm định các hồ sơ đề nghị tài trợ, vay vốn của Quỹ bao gồm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và tài chính dự án. Mỗi đề tài/dự án là một hội đồng thẩm định riêng. Hội đồng thẩm định cũng có trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các hồ sơ đề nghị tài trợ, vay vốn của Quỹ.
Kết quả hoạt động: Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều, việc triển khai áp dụng mô hình Quỹ phát triển KH&CN ở Việt Nam còn khá mới mẻ, nhưng tính đến nay tổng số dự án được các Quỹ địa phương tài trợ/ cho vay là 107 đề tài/dự án với tổng kinh phí là 51,26 tỷ đồng.
4. Nhận xét, đánh giá:
Bên cạnh hình thức đầu tư cho KH&CN theo phương thức cấp ngân sách hàng năm theo phương thức truyền thống, với mô hình Quỹ phát triển KH&CN do hệ thống cơ quan nhà nước tổ chức triển khai cùng mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm của các tổ chức tài chính nước ngoài (Quỹ Beta, Veil, Vietnam Frontier, Vietnam fund, Templeton, Lazard, Mekong, Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG tại Việt Nam - thuộc tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG, Quỹ Techfund - thuộc công ty quản lý Quỹ VinaCapital) đã mở ra một phương thức tài trợ, đầu tư mới, tạo cơ hội cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu và nhà doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong quá trình hội kinh tế quốc tế. Góp phần nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp tại các địa phương. Giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ví dụ với việc cho các doanh nghiệp vay ở Quỹ phát triển KH&CN Bình Định, cụ thể: DNTN D&L thành phố Quy Nhơn vay 1,2 tỷ đồng để thực hiện dự án “Đầu tư thiết bị xả băng để nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền sản xuất các loại thép hình”, đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép trên địa bàn tỉnh và mở rộng ra các tỉnh lân cận, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, tăng thêm phần đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước; Công ty TNHH Nhật Khánh vay 2 tỷ đồng để đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su thiên nhiên đã tạo ra các sản phẩm mới như lốp, xăm xe cộ rùa, yếm xe tải, lốp xe máy cày v.v... góp phần đào tạo nghề và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động nông thôn.
- Giúp các doanh nghiệp tại các địa phương phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao (ví dụ các dự án mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản, nuôi lợn rừng sinh sản cho năng suất cao tại Vĩnh Phúc; sản phẩm gạo an toàn chất lượng cao nhãn hiệu Vạn Phước tại Bình Định ra đời từ dự án nông thôn miền núi và được Quỹ cho vay 1,5 tỷ đồng để đổi mới dây chuyền xay xát gạo để nâng công suất từ 500 kg/giờ lên 2.500 kg/giờ...) hay tận dụng phế thải trong nông nghiệp thành nguyên liệu cho ngành công nghiệp không những mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân còn giúp các doanh nghiệp triển khai các công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường (Dự án sản xuất bột giấy từ thân cây ngô sau thu hoạch theo công nghệ sinh học - tại Công ty TNHH Việt Sáng - Vĩnh Phúc; Dự án SXTN: Than gỗ hoạt tính từ phụ phẩm gỗ rừng trồng có sẵn tại địa phương của Công ty Cổ phần Phân bón và Dịch vụ tổng hợp Bình Định...).
- Giúp các doanh nghiệp đầu tư giải quyết bài toán khan hiếm lao động tại các thành phố lớn thông qua việc đầu tư, hệ thống tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu, tăng khả năng cung cấp chủ động và đồng bộ sản phẩm cho thị trường (Dự án “Đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén thay thế công nghệ ép phun” của Công ty cổ phần kỹ nghệ Đô Thành; dự án “Chế tạo thiết bị tự động theo chương trình trong dây chuyền sản xuất động cơ điện và biến áp” tại Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Thiết Bảo tại thành phố Hồ Chí Minh; Dự án SXTN “Chế tạo máy đột - dập thủy lực tự động phục vụ sản xuất, thay thế thiết bị nhập ngoại” tại Công ty TNHH Trung Thành - tỉnh Bình Định với vốn vay 500 triệu đồng).
- Các Quỹ hỗ trợ cũng chính là những động lực thúc đẩy việc CGCN từ Viện/Trường, các nhà sáng tạo kỹ thuật ra các doanh nghiệp, từ đó kích thích hoạt động nghiên cứu triển khai nhằm tăng cường năng lực công nghệ nội sinh của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Dự án SXTN “Hoàn thiện dây chuyền thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều và phân loại sản phẩm sau cắt tách” của cơ sở cơ khí Vũ Thạnh - tỉnh Bình Định đã được thương mại hóa rộng rãi; đây là sản phẩm được Quỹ cho vay 1,5 tỷ đồng để phát triển giải pháp kỹ thuật đạt giải 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ X (2008 - 2009) của Tác giả Mai Vĩnh Thạnh.
- Việc hình thành các Quỹ tại các địa phương thời gian qua cũng đánh dấu sự năng động của lãnh đạo các Sở KH&CN và sự quan tâm của lãnh đạo các tỉnh thành phố đối với lĩnh vực KHCN, bởi vì mặc dù Quỹ phát triển KHCN được đề cập trong Luật KHCN từ năm 2000, nhưng phải tới năm 2005 Thủ tướng Chính phủ mới ra Quyết định số 117/2005/QĐ-TTg ban hành điều lệ mẫu tổ chức và hoạt động của Quỹ của cơ quan cấp Bộ và cấp tỉnh/thành phố.
- Mô hình tổ chức Quỹ khá đa dạng phong phú, thể hiện sự sáng tạo của các địa phương trong việc áp dụng mô hình. Tuy vậy, mô hình cơ quan điều hành độc lập, tự chủ tài chính của Bình Định hay Hòa Bình là sự “táo bạo”, đầy năng động, tươi mới đối với mô hình tổ chức Quỹ địa phương, hứa hẹn nhiều tiềm năng đạt hiệu quả cao. Trong 2 năm 2009 - 2010, Bình Định cho vay được 5 dự án với tổng kinh phí 6,7 tỷ đồng, lợi nhuận của Quỹ hơn 500 triệu đồng, tăng thêm vốn của Quỹ hơn 300 triệu đồng. Có 3 sản phẩm hoàn toàn tạo ra sản phẩm mới và được thương mại hóa.
- Mức kinh phí đầu tư cho các Quỹ phát triển KH&CN địa phương hiện nay được đánh giá là quá thấp. Quỹ phát triển KHCN thành phố HCM có mức đầu tư cao nhất là 50 tỷ đồng còn các địa phương khác từ 15 tỷ trở xuống. (Bình Định được 10 tỷ, phân bổ trong 5 năm), rất thấp so với nhu cầu cần và thấp so với tỷ trọng đầu tư cho KH&CN.
5. Đề xuất, kiến nghị:
- Hiện nay, để tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, việc hình thành các Quỹ địa phương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các Quỹ địa phương đã, đang và sắp ra đời hiệu quả, cần thiết phải có những nghiên cứu, đánh giá lại mô hình và hiệu quả hoạt động của các Quỹ địa phương đang hoạt động để đúc rút những bài học kinh nghiệm để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ này.
- Cần nhanh chóng thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Theo Luật CGCN), Quỹ đầu tư mạo hiểm Quốc gia (Theo Luật công nghệ cao) để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư lĩnh vực công nghệ cao tăng cường thu hút các doanh nghiệp tham gia vào các khu công nghệ cao đã được xây dựng. Đây cũng là lĩnh vực hỗ trợ đầu tư đặc thù trong khi khả năng kinh phí tài trợ/cho vay của các Quỹ địa phương hạn chế, và cơ chế tài trợ/cho vay mang tính chất khuyến khích chung, không phù hợp.
- Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống Quỹ cả nước, nên có sự hỗ trợ cho các địa phương thông qua hình thức ủy thác cho vay dự án góp phần tăng thêm nguồn vốn cho các Quỹ địa phương; chủ trì tổ chức các hội thảo, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm để hỗ trợ các địa phương về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các Quỹ Trung ương và địa phương nhằm mục tiêu chung đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.