Ngày 6/1/2021, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện Lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các bộ, ban, ngành; Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố, Lãnh đạo các Sở KH&CN; đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Trong năm 2020, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Bộ đã hoàn thành toàn bộ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phân công. Một số kết quả đạt được cụ thể như:
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Hệ thống pháp luật về KH&CN tiếp tục được hoàn thiện, tư duy quản lý KH&CN đổi mới mạnh mẽ theo hướng phục vụ trực tiếp tăng trưởng kinh tế, phù hợp tình hình phát triển của đất nước và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Những đổi mới tích cực nhất tập trung vào hoàn thiện cơ chế đầu tư, chính sách tài chính, huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho KH&CN, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển. Năm 2020, Bộ KH&CN đã phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 với trên 6.500 lượt người tham dự trực tiếp, trên 50.000 lượt tham gia trực tuyến; thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước với mức đầu tư 14 triệu USD. Cùng với đó, tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia theo vùng, tỉnh và lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị.
Công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên các lĩnh vực như tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, hợp tác quốc tế, KH&CN địa phương đều có những kết quả nổi bật: i) Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn hóa quốc tế (đến nay đã có 12.800 TCVN, tỷ lệ hài hòa trên 60%). Trong năm vừa qua, Bộ đã thẩm định và công bố 895 TCVN do các bộ, ngành xây dựng; ii) Đã xử lý 68.971 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,3% so với năm 2019). Cấp văn bằng bảo hộ cho 47.168 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 15,6% so với năm 2019)…
Kết quả các nhiệm vụ KH&CN đã đóng góp quan trọng trong công tác điều hành của Chính phủ, phát triển kinh tế - xã hội đất nước như:
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn: các căn cứ, luận cứ đã đóng góp hiệu quả phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ trực tiếp việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.
Lĩnh vực nông nghiệp: KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Các Chương trình sản phẩm quốc gia , Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen... được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại tiên tiến đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ, giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực trên các đối tượng cây con chủ lực, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Lĩnh vực công nghiệp: đã chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…
Lĩnh vực y dược: trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ KH&CN đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ cấp bách với nhiều kết quả quan trọng như: phân lập, nuôi cấy thành công vi rút; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vắc xin phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19, trong đó vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm lâm sàng trên người tình nguyện; tổng hợp trên 1.700 công bố khoa học quốc tế về dịch bệnh; nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công robot vận chuyển, robot khử khuẩn sàn nhà trong khu cách ly.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều đánh giá cao kết quả KH&CN đạt được trong năm 2020, đồng thời kiến nghị Bộ KH&CN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho KH&CN đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu tối đa các thủ tục thanh quyết toán trong nghiên cứu, đẩy mạnh công tác liên kết bốn nhà trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đa dạng các nguồn lực tài chính cho KH&CN; chú trọng phát triển KH&CN địa phương…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả ngành KH&CN đạt được trong một năm nhiều khó khăn, thách thức như năm 2020, đặc biệt là công tác quản lý các nhiệm vụ KH&CN có những bước đột phá, cải tiến và minh bạch hơn. Các đề tài, nhiệm vụ đã bớt dàn trải, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế đòi hỏi toàn ngành KH&CN cần nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới, như:
- KH&CN lấy doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo quốc gia, tuy nhiên hiện nay hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, Bộ KH&CN cần nghiên cứu đề xuất những nhiệm vụ, chính sách cụ thể nhằm đưa doanh nghiệp thực sự là trung tâm của đổi mới, phát huy tối đa nguồn lực này trong phát triển kinh tế đất nước.
- Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN, hạn chế tối đa tình trạng lãng phí trong nghiên cứu. Đầu tư tập trung cho các nhiệm vụ trọng yếu phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…, tránh tình trạng phân bổ các nhiệm vụ theo kiểu “chia thuốc”.
- Có cơ chế, chính sách vượt trội nhằm xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đổi mới quản lý cơ chế tài chính. Phát triển KH&CN cần đi vào chiều sâu, đặc biệt là hoạt động KH&CN địa phương. KH&CN địa phương cần nâng cao vai trò, tiếng nói của mình hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH&CN.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ KH&CN trong nhiệm kỳ tới cần xây dựng được một chương trình tổng thể kết nối các ngành, lĩnh vực KH&CN khác nhau, huy động được sức mạnh của cá nhân, tập thể, địa phương, vùng để giải quyết những bài toán cụ thể của từng vùng, miền trong cả nước. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn tập thể Lãnh đạo, cán bộ viên chức KH&CN cùng đoàn kết hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tới, đưa KH&CN Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với những thành tích đã đạt được trong năm qua, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ KH&CN.
Tin và ảnh: HH