Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”

Quản trị viên 25/01/2021 Tin khoa học và công nghệ

Nằm trong chuỗi các sự kiện bên lề hướng đến “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020”, hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã diễn ra vào ngày 23/10/2020.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo báo cáo của Do Ventures năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới. “Các startup cần chuẩn bị tài liệu cho nhiều hoàn cảnh khác nhau. Cuộc gặp với nhà đầu tư có thể kéo dài 10 phút đến 2-3 tiếng hay thậm chí là 30 giây trong thang máy, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng, đặc biệt là phải tóm tắt được công việc kinh doanh của mình trong một câu ngắn gọn để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư”, ông Nguyễn Xuân Đông, đồng sáng lập Ecomobi chia sẻ tại Hội thảo. Tuy vậy, startup không nên gọi vốn bằng mọi giá. “Phải xác định rõ mục tiêu gọi vốn chứ không phải gọi vốn theo phong trào. Đừng gọi vốn cho vui, đừng thấy doanh nghiệp đang cạnh tranh với mình gọi vốn thì mình cũng gọi vốn”, ông Đông góp ý.

Bên cạnh đó, startup thường chưa thực sự coi trọng vấn đề về các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến các thương vụ đầu tư thường có lợi cho nhà đầu tư một cách không công bằng. Hiện tại chưa có nhiều startup ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề về luật, đôi lúc dẫn đến vấn đề hậu đầu tư gặp nhiều vấn đề và quá trình nhận vốn đầu tư tốn nhiều thời gian. Văn hóa người Á Đông trường tránh né những sự va chạm, đặc biệt trong quá trình nhạy cảm như hoàn thiện hợp đồng gọi vốn. Ông Hoàng Minh Đức, Luật sư cấp cao tại Duane Morris chia sẻ, startup phải hiểu nội hàm, hiểu bản chất của các điều khoản trong hợp đồng, từ đó có định hướng nhất định để xử lý nếu có vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên chi phí để thuê luật sư đồng hành trong các thương vụ gọi vốn là điều không phải startup nào cũng có khả năng chi trả. “Các startup cần phải tích cực tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời có thể tranh thủ đến các hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư”, ông Đức chia sẻ một số phương án.

Chia sẻ tại Hội thảo, một số đại biểu đã chỉ ra những sự khác biệt cơ bản giữa quỹ nội và quỹ ngoại. Theo đó, quỹ ngoại thường có mạng lưới đối tác ở rất nhiều quốc gia khác nhau, do đó có thể hỗ trợ startup nhiều trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường khác. Trong khi đó, quỹ nội thường có sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, có đội ngũ nhân lực sẵn sàng hỗ trợ startup về các vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính.

Theo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Trong khuôn khổ Hội thảo, cũng đã diễn ra tọa đàm với chủ đề: Làm thế nào để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho thị trường Việt Nam. Bà Hoàng Thị Kim Dung cho biết, do không thống nhất được giữa các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư thiên thần nên quá trình giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư mất đến hơn 6 tháng, cộng với thời gian startup chuẩn bị gọi vốn khoảng 12 tháng trước đó. Tổng thời gian để cả thương vụ diễn ra là gần 18 tháng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup. Chính vì vậy, cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh. 

NASATI

Các tin liên quan